Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh tọa lạc tại Phường 8, thành phố Trà Vinh, cách trung tâm tỉnh lỵ hơn 5 km về hướng tây nam, nằm trong quần thể khu văn hóa – du lịch, liên hoàn với di tích danh thắng Ao Bà Om, di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Âng và Trung tâm Văn hóa – Thể thao tỉnh, rất thuận tiện cho học sinh sinh viên, người nghiên cứu văn hóa dân tộc và khách du lịch đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu.
Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh là một khối nhà hai tầng, có diện tích sử dụng hơn 1.700 m2, được thiết kế xây dựng trên cơ sở kết hợp hài hòa phong cách kiến trúc truyền thống dân tộc Khmer và hiện đại trong khuôn viên rộng 01 ha, có nhiều cây xanh rợp mát quanh năm.
Bảo tàng hiện đang lưu giữ, trưng bày, giới thiệu hơn 800 hiện vật, hình ảnh, tài liệu phản ánh đời sống văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần của cộng đồng dân tộc Khmer Trà Vinh, từ truyền thống đến đương đại.
Từ cổng bước vào là một khoảng sân rộng nhiều cây xanh, tạo cho khuôn viên Bảo tàng luôn có không khí yên tĩnh, tách biệt hẳn với sự ồn ã, huyên náo bên ngoài. Đây là sự chuẩn bị cần thiết cho khách tham quan, nhất là các nhà nghiên cứu sự tĩnh tâm cần thiết, trước khi tập trung tìm hiểu một cách toàn diện, sâu sắc về bản sắc văn hóa Khmer, thông qua các hiện vật, hình ảnh, tư liệu được trưng bày và giới thiệu.
Trong khuôn viên, ở góc phía bắc là ngôi tháp an vị di cốt của một nhân sĩ, trí thức, nhà hoạt động cách mạng tiêu biểu của dân tộc Khmer Trà Vinh nói riêng, Khmer Nam bộ nói chung là Maha Sơn Thông (1910 – 1997). Sau khi du học và nhận bằng Maha (tương đương Cử nhân Phật học), ông tham gia cách mạng giai đoạn tiền khởi nghĩa, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân đế quốc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Maha Sơn Thông trải qua nhiều chức vụ quan trọng như Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh; Khu ủy viên, Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng kiêm Trưởng Ban Khmer vận Khu Tây Nam bộ; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…
Phần lớn diện tích tầng trệt của tòa nhà Bảo tàng là sảnh trống dưới các chân cột có nhiều ghế đá để khách tham quan có thể ngồi nghỉ chân hoặc đi lại trao đổi những vấn đề văn hóa cần quan tâm. Cầu thang lên lầu được đặt ở vị trí chính giữa sảnh và bên dưới cầu thang là một hồ nước hình bán nguyệt xinh xắn, có nhiều cá cảnh tung tăng bơi lội, tạo cảnh quan vui tươi nhẹ nhàng.
Một phần diện tích tầng trệt được chia thành các phòng làm việc của cán bộ, nhân viên Bảo tàng. Ở các vị trí này, người có trách nhiệm dễ dàng quan sát mọi hoạt động cũng như sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu hướng dẫn, giới thiệu đối với khách tham quan. Phần còn lại là Phòng Trưng bày truyền thống đấu tranh cách mạng của đồng bào Khmer Trà Vinh giai đoạn tiền khởi nghĩa, hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Toàn bộ diện tích tầng lầu Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh được chia thành 4 phòng trưng bày theo các chủ đề riêng và đều quay cửa về hướng cầu thang lên xuống.
– Phòng 1: Trưng bày, giới thiệu về văn hóa tâm linh của đồng bào Khmer Trà Vinh, mà ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer chiếm vai trò chủ đạo, độc tôn. Ở vị trí trang trọng nhất tái hiện một phần không gian ngôi chánh điện chùa Phật giáo Nam Tông Khmer; ghế thuyết pháp – lộng che khi vị sư cả tổ chức buổi thuyết pháp trong những dịp lễ hội; hình ảnh giới thiệu hệ thống 143 chùa Khmer ở Trà Vinh; mô hình Sala thờ Néak Tà và những hiện vật là các tác phẩm điêu khắc đá có giá trị, mang đậm dấu ấn của Bà La Môn giáo, Phật giáo phản ánh được quá trình phát triển đời sống tâm linh trong lịch sử đồng bào Khmer Nam bộ nói chung, Khmer Trà Vinh nói riêng như: ngẫu tượng Linga-Yoni, Mukhalinga, tượng Thần (Shiva, Vishnu), Avalokitesvara, Lokesvara, tượng Phật…
– Phòng 2: Giới thiệu về văn hóa vật chất ăn, mặc, ở, lao động sản xuất, sinh hoạt thường nhật của đồng bào Khmer Trà Vinh. Các hiện vật là các loại nông cụ lao động của người Khmer như xa quạt nước, cày, bừa, trục, nọc cấy, vòng hái, phảng, cù nèo… trong sản xuất nông nghiệp; nôm, xà ngôm, xà neang, lọp, xà no… trong đánh bắt thủy sản và các sản phẩm gốm gia dụng. Những nông cụ, ngư cụ, vật dụng gia đình này cơ bản cũng giống các công cụ cùng loại của người Kinh, người Hoa nhưng có những khác biệt nhất định về thiết kế, tạo dáng, trang trí hoa văn trên công cụ lao động… Đặc biệt, tại phòng trưng bày này có tái hiện lại không gian bàn thờ tổ tiên, không gian nhà bếp trong ngôi nhà bình thường trong phum sóc Khmer. Cạnh đó là cảnh tái hiện nghi thức cột chỉ tay trong lễ cưới của người Khmer…
– Phòng 3: Giới thiệu về các làng nghề truyền thống của đồng bào Khmer Trà Vinh như nghề dệt chiếu, điêu khắc gỗ, đan đát, cốm dẹp và nhiều nghề thủ công khác… Hiện vật trưng bày gồm hình ảnh và công cụ lao động như khung dệt vải, khu dệt chiếu; cối và chày giã cốm dẹp và các sản phẩm điêu khắc bằng gỗ, tre nứa, đan đát, các tác phẩm điêu khắc hội họa, tranh vẽ trên kiếng, trên vải… được chạm khắc, chế tác từ đôi bàn tay khéo léo tài hoa của các nghệ nhân Khmer.
– Phòng 4: Giới thiệu về văn hóa nghệ thuật diễn xướng truyền thống và đương đại của đồng bào Khmer Trà Vinh. Các hiện vật ở đây bao gồm: dàn nhạc Ngũ âm, các loại trang phục, mão, mặt nạ dùng trong biểu diễn nghệ thuật. Đặc biệt tại phòng trưng bày này có tái hiện lại không gian sân khấu kịch múa Rô-băm và sân khấu ca kịch Dù kê của người Khmer.
Người Khmer là một bộ phận hợp thành cộng đồng các dân tộc cùng chung sống lâu đời trên mảnh đất Trà Vinh. Trong quá trình lao động sản xuất, các giá trị ứng xử với thiên nhiên, ứng xử với con người và ứng xử với xã hội của người Khmer Nam bộ hình thành, phát triển và khẳng định, tạo ra bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, góp phần làm đa dạng, phong phú nền văn hóa Việt Nam thống nhất.
Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh là một địa chỉ nghiên cứu văn hóa; địa chỉ trưng bày, giới thiệu và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer với cộng đồng cộng đồng các dân tộc anh em cả nước và các nước trên thế giới, đồng thời cũng là một địa chỉ du lịch hấp dẫn đối với du khách.
nguồn: https://dulichtravinh.com.vn/bao-tang-van-hoa-dan-toc-khmer/