Chùa Ông Mẹt là tên gọi thông dụng của ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer tọa lạc tại Phường 1, thành phố Trà Vinh. Tên gọi theo Phạn ngữ của ngôi chùa này là Bodhisàlaraja, người Khmer vẫn quen gọi là Wat Kompong, dịch nghĩa là Chùa Bến.
Là ngôi chùa lớn tọa lạc tại trung tâm tỉnh lỵ, thuận tiện giao thông cả đường bộ lẫn đường thủy với hệ thống các ngôi chùa Khmer khắp các huyện trong tỉnh cũng như các tỉnh miền Tây Nam bộ, nên chùa Ông Mẹt trở thành trung tâm Phật giáo Khmer tỉnh và được chọn đặt Văn phòng Trị sự Phật giáo Khmer hệ phái Mahanikay.
Là ngôi chùa trung tâm nên chùa Ông Mẹt được sư sãi và đồng bào Khmer cả tỉnh cúng dường tiền của, công sức lao động tạo ra một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao. Đây cũng chính là trung tâm đào tạo nhiều thế hệ tăng tài, có nhiều đóng góp cho sự phát triển Phật giáo nói riêng, văn hóa dân tộc Khmer nói chung và lịch sử đấu tranh cách mạng của cộng động các dân tộc Trà Vinh, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Từ những giá trị đó, chủa Ông Mẹt đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia, loại hình kiến trúc nghệ thuật, vào năm 2009.
Chưa có dữ liệu khoa học để kết luận chính xác nhưng theo truyền thuyết thì đây là ngôi chùa Khmer cổ đã tồn tại nhiều thế kỷ. Đến đầu thế kỷ XX, khi làng Minh Đức chính thức trở thành tỉnh lỵ Trà Vinh, Thánh đường Công giáo được nhà cầm quyền thực dân đầu tư xây dựng thì cộng đồng phum sóc Khmer cũng chung sức xây dựng ngôi chùa Ông Mẹt trang nghiêm, bề thế như một hình thức tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc.
Ngôi chùa gồm nhiều kiến trúc hài hòa nhau bao quanh ngôi chánh điện, trong khuôn viên rộng gần 1,3 ha có vòng tường kín bao bọc chung quanh, mặt tiền nhìn ra đường Lê Lợi ở hướng đông, đúng với tư tưởng truyền thống Phật giáo là Đức Phật ở Tây phương nhưng luôn dõi mắt về hướng đông để cứu độ chúng sinh. Tường phía sau có cổng nhỏ ở hướng tây, nhìn ra đường Tô Thị Huỳnh. Hai bên là đường Nguyễn Trãi ở hướng nam và Lý Tự Trọng ở hướng bắc.
Cổng chùa Ông Mẹt là một kiến trúc đẹp với 8 trụ cột nâng đỡ mái cổng và chia cổng thành lối đi chính ở giữa rộng và hai lối đi nhỏ hơn ở hai bên. Trên đầu mỗi cột đều trang trí Chim thần Keyno hai mặt luôn tươi cười đón khách. Hai bên cổng là hai bờ tường vừa thấp dần vửa mở rộng, trang trí bởi cặp rắn bảy đầu theo phong cách nghệ thuật Khmer truyền thống.
Chánh điện chùa Ông Mẹt quay mặt về hướng đông và được xây dựng trên nền tam cấp. Nền cấp một bằng đá xanh cao 1,35 m được bao bọc bởi hàng rào sắt cao gần 2 m và trên mỗi đầu cột rào đều có hình Bhrama bốn mặt. Ờ bốn góc nền cấp một là bốn ngôi tháp chứa tro cốt người đã khuất. Nền cấp hai bằng gạch đại cao 1,13 m có tường bao bọc chung quanh nhưng được chừa những khoảng trống để lên xuống. Nền cấp ba là nền trên cùng của ngôi chánh điện xây bằng gạch đại cao 0,7 m, dài hơn 20 m và rộng gần 10 m. Ngôi chánh điện gồm 32 trụ cột bằng gỗ quý, chia thành 4 hàng. Ở mỗi đầu cột và xiên ngang đều được chạm trỗ hoa văn sơn son thếp vàng. Mái ngói ngôi chánh điện được thiết kế thành mái đứng một cấp và mái nằm hai hoặc ba cấp. Giữa các cấp mái đều có khoảng cách để gió có thể lưu thông làm mát không khí bên trong. Đường gờ giữa các mái ngói được trang trí thành vây lưng rồng vắt đuôi lên cao, xà đầu xuống thấp, trong khi toàn bộ những viên ngói xếp nhau trên mái tạo hình vảy rồng. Nếu từ trên cao nhìn xuống, sẽ thấy mái ngôi chánh điện chùa Ông Mẹt như một đàn rồng từ trên trời nhìn xuống bốn hướng nhân gian. Hai đầu hồi trước và sau ngôi chánh điện là hai tấm gỗ quý được chạm khắc rất công phu với nhiều hình tượng thể hiện đời sống văn hóa tâm linh của người Khmer Nam bộ.
Trên bệ thờ bên trong ngôi chánh điện là cốt tượng Đức Phật Thích Ca uy nghi trên tòa sen cao 4,4 m; dài 5 m và rộng 4,3 m. Đây là một trong những tượng Phật to nhất trong những ngôi chùa Khmer trên địa bàn Trà Vinh. Chung quanh tượng lớn này còn có nhiều tượng Phật nhỏ hơn bằng nhiều chất liệu như đá, xi măng, đồng, gỗ… với nhiều kích thước và tư thế khác nhau như Phật xuất gia, Phật khất thực, Phật thành đạo, Phật thuyết pháp…
Phía sau chánh điện là Thư viện với lối kiến trúc độc đáo nhà sàn gỗ truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ xưa. Toàn bộ 24 đầu cột, xiên tâm, xiên dọc… đều được chạm khắc công phu, sơn son thếp vàng. Thư viện có ba gian, giam giữa là nơi chứa sách, trong đó có nhiều thư tịch cổ; hai gian hai bên là nơi đọc sách, học tập của các vị sư sãi và bà con trong phum sóc.
Trong khuôn viên chùa Ông Mẹt còn có một số kiến trúc như tăng xá, Văn phòng Trị sự Phật giáo hệ phái Mahanikay, giảng đường, sala thờ Neakta, tháp tưởng niệm… Dù được xây dựng ở những giai đoạn khác nhau bằng những chất liệu khác nhau và được sử dụng vào những mục đích khác nhau nhưng những kiến trúc độc lập này tồn tại hài hòa trong một tổng thể kiến trúc chung đậm đà bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ.
Về tên gọi theo Phạn ngữ chùa Bodhisàlaraja. Theo chiết tự Bodhi là Bụt hay Phật; Sàla là cây sala hay cây Long thọ – một loại cây thiêng của đồng bào Khmer; Raja là Vua. Từ đó, Bodhisàlaraja được hiểu là “Tượng Phật làm bằng thân gỗ quý nhất Long thọ”. Tên này của ngôi chùa gắn liền với truyền thuyết ngày xa xưa toàn bộ khu vực Phường 3, Phường 4 thành phố Trà Vinh bây giờ là vùng đất ẩm thấp, bưng trấp như cái ao lớn, trong khi khu vực Phường 1 và Phường 2 là con giồng đất cát khô ráo đã hình thành xóm làng, phum sóc. Con sông Long Bình ngày đó có dòng chảy ngoằn ngoèo vào đến sát chân con giồng. Vào một đêm, khi đang ngồi thiền, vị sư cả ngôi chùa gần đó thấy một vị thánh tăng đến mách bảo có tượng Phật nổi lên giữa ao lớn và muốn thỉnh tượng lên chỉ có cách duy nhất là dùng bảy sợi chỉ màu. Sáng hôm sau, sư cả đến bến nước thì quả nhiên thấy tượng Phật bằng gỗ Long thọ rất to lớn. Vị sư cùng bà con phum sóc tổ chức lễ cầu nguyện rồi dùng bảy sợi chỉ như lời thánh tăng chỉ bảo. Tuy nhiên, rời khỏi ao không bao xa, khi đến chân cội bồ đề bên bến nước thì bảy sợi chỉ đồng loạt đứt, tượng Phật dừng lại, không cách nào đưa đi tiếp. Biết là ý trời, vị sư cả quyết định xây dựng ngôi chùa nơi tượng Phật gỗ an vị và gọi tên là chùa Bodhisàlaraja. Tượng gỗ Long thọ đó, sau được bồi thêm một lớp xi măng, chính là tượng Phật to lớn được thờ trong ngôi chánh điện hiện nay.
Dưới cội bồ đề vốn là bến nước lớn mà mỗi ngày cư dân trên giồng cát xuống lấy nước của dòng sông Long Bình thuở ấy. Nơi đây cũng là bến ghe xuồng có thể tỏa đi khắp nơi trên địa bàn Trà Vinh, sang các tỉnh lân cận. Người Khmer gọi “Bến lớn” hay “Bến chính” là Kompong Thom. Ngôi chùa dựng lên bên Bến lớn là Wat Kompong Thom, sau gọi tắt thành Wat Kompong. Người Kinh, người Hoa trong vùng cũng gọi theo một cách sát nghĩa là “Chùa Bến”.
Tên Chùa Ông Mẹt có hai cách giải thích. Cách thứ nhất là vị sư cả trụ trì ngôi chùa này trong một thời gian dài có tên là Sư Meas nên bà con phum sóc quen gọi là Wat Lụckru Meas. Người Kinh, người Hoa cứ vậy gọi theo là Chùa Ông Mẹt. Cách thứ hai là cốt tượng Phật trong chùa quá lớn, khiến cho nhiều người Khmer nhìn thấy ngạc nhiên đến thảng thốt mà buột miệng: “Mèn đéc ơi!” (Trời đất ơi!). Từ đó biến âm dần thành Chùa Ông Mẹt.
Là nơi đặt Văn phòng Trị sự của Phật giáo Khmer hệ phái Mahanikay, chùa Ông Mẹt có nhiều đóng góp cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Khmer Nam bộ. Xuất phát từ chùa Ông Mẹt, phong trào đấu tranh đòi dạy và học chữ Phạn, chữ Khmer lan rộng khắp các nhà chùa, các phum sóc trong tỉnh, chống lại chính sách “ngu dân” của thực dân Pháp. Sau đó, không chỉ dạy và học chữ Khmer mà chữ quốc ngữ cũng được đưa vào giảng dạy, tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc thuận lợi hơn trong việc học tập, thực hiện ngày càng tốt hơn quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Cũng từ chùa Ông Mẹt, Phật giáo Nam tông Khmer ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong đời sống vật chất, tinh thần của bà con phum sóc. Ngôi chùa không chỉ là nơi thực hành các nghi lễ tôn giáo mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tiếp thu các giá trị mới về khoa học kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật, ứng dụng vào sản xuất và sinh hoạt làm cho đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng ổn định và nâng cao.
Chùa Ông Mẹt là nơi học tập, đào tạo nhiều thế hệ sư sãi cho các ngôi chùa Khmer Trà Vinh, trong đó có nhiều vị danh tăng đạo cao đức trọng có nhiều đóng góp cho đạo và đời như Sư cả Sơn Vọng – cố Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; Maha Sơn Thông – cố Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đại lão hòa thượng Maha Thạch Sa rây – cố Phó Chủ tịch Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam…
Vừa học chữ, học kiến thức, các thế hệ sư sãi Khmer tại chùa Ông Mẹt còn được chú trọng nâng cao lòng yêu nước, ý chí căm thù kẻ xâm lược. Do đó, ngôi chùa này là nơi xuất phát phong trào đấu tranh chính trị của sư sãi, đồng bào Khmer trong tỉnh và là nơi che chở cho rất nhiều thanh niên các dân tộc trong tỉnh không phải đi lính cho địch trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chính vì vậy, khi trận tiến công Xuân Mậu Thân đang diễn ra, kẻ thù cho máy bay ném bom gây hư hại nặng dù vị trí ngôi chùa cách dinh Tỉnh trưởng không quá 150 m.
Cùng với nhiều cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng khác, chùa Ông Mẹt đã góp phần hình thành diện mạo văn hóa tâm linh của cộng đồng các dân tộc Trà Vinh trong tiến trình lịch sử chung.
Với các giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật độc đáo, chùa Ông Mẹt trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn và thuận tiện ngay trong nội ô thành phố Trà Vinh.
nguồn: https://dulichtravinh.com.vn/chua-bodhisalaraja-chua-ong-met/