Khu di tích Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu thuộc ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải, cách trung tâm thành phố Trà Vinh 60 km về hướng Đông Nam. Đây không chỉ là địa chỉ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mà còn là điểm tham quan du lịch tiềm năng cho thị xã Duyên Hải, cùng với Khu du lịch Ba Động, điện gió làm nên cụm văn hóa – du lịch liên hoàn của vùng biển Duyên Hải – Trà Vinh.
Tháng 7/1959, để chi viện nguồn lực cho cách mạng miền Nam trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Bộ Chính trị ra quyết định thành lập đơn vị vận tải quân sự trên biển – Đoàn 759 (sau đổi thành Đoàn 125). Đến đầu năm 1961, Trung ương ra chỉ thị cho các tỉnh gồm Bà Rịa, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau chuẩn bị bến bãi và tổ chức tàu thuyền ra Bắc để thăm dò đường vận chuyển vũ khí vào Nam. Tại tỉnh Trà Vinh, đồng chí Trần Văn Long – Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh đã chỉ đạo tuyển chọn những cán bộ dũng cảm, gan dạ, có kinh nghiệm đi biển, chuẩn bị thuyền cho chuyến vượt biển ra Bắc.
Đúng 17 giờ ngày 03/8/1961, con thuyền chở bảy đồng chí xuất phát từ vàm Khâu Phục ra khơi, đồng chí Lê Văn Hòa (Bảy Hòa) bị say sóng nên phải ở lại. Sáu anh em còn lại trên thuyền thống nhất bốc thăm đặt tên mới cho từng người theo khẩu hiệu “Đoàn kết đấu tranh thắng lợi” nhằm hạ quyết tâm thực hiện bằng được nhiệm vụ được giao, gồm: Trần Văn Mao (Ba Đoàn), Nguyễn Văn Khương (Tám Kết), Phan Văn Lẹ (Hai Đấu), Lê Văn Lòng (Hai Tranh), Hồ Đức Thắng (Bảy Thắng), Ngô Văn Tôi (Bảy Lợi).
Thuyền đi được hai ngày, đến Nha Trang thì gặp bão và tám ngày sau bị lạc sang Ma Cao, Trung Quốc (lúc bấy giờ là thuộc địa của Bồ Đào Nha). Đến 22 giờ ngày 15 tháng 8 năm 1961, thuyền được tàu biên phòng Trung Quốc đưa về huyện Du Hải – Quảng Châu, sau đó được lãnh sự quán của ta tổ chức đưa về Hà Nội bằng tàu hỏa đề gặp Bác Hồ báo cáo lại quá trình vượt biển và được Bác Hồ tặng cho mỗi người 01 khẩu súng P38.
Tháng 9 năm 1962, đồng chí Phạm Thái Bường, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Cục miền Nam ra quyết định thành lập Đoàn 962 quản lý các bến tiếp nhận vũ khí các tỉnh. Bến Trà Vinh do đồng chí Lê Văn Sến (Năm Sến) – Phó chính ủy Đoàn 162 trực tiếp phụ trách.
Thời gian này, Tỉnh ủy Trà Vinh quyết định chọn 2 xã ven biển là Trường Long Hòa và Long Vĩnh thuộc huyện Duyên Hải (nay là các xã: Trường Long Hòa, Dân Thành thuộc thị xã Duyên Hải; xã Đông Hải, Long Vĩnh thuộc huyện Duyên Hải) để mở bến tiếp nhận vũ khí. Cụm Bến 1 thuộc khu vực vàm Rạch Cỏ – La Ghi, cụm Bến 2 thuộc khu vực Phước Thiện, Hồ Tàu, Khâu Lầu, Láng Nước. Những khu vực này là vùng căn cứ cách mạng, luôn là mục tiêu tấn công của địch vì vậy việc che giấu, vận chuyển vũ khí vô cùng gian nan vất vả.
Ngày 17 tháng 3 năm 1963, Bến Trà Vinh tiếp nhận chuyến tàu đầu tiên vào vàm Phước Thiện. Với địa thế sông ngòi chằng chịt, rừng ngập mặn nhiều cây thấp có thể cho tàu có trọng tải lớn ép vào để ngụy trang, con tàu đã được cất giấu an toàn. Tiếp đó là chuyến thứ hai vào vàm Láng Nước chở theo 70 tấn vũ khí. Từ năm 1963 đến 1966, Bến Trà Vinh đã đón 16 chuyến với 689 tấn hàng. Riêng Bến Cồn Tàu đón 10 chuyến, trong đó năm 1963 đón 4 chuyến, năm 1964 đón 6 chuyến.
Tuy hoạt động chỉ trong thời gian ngắn, nhưng Bến Trà Vinh là một mắc xích quan trọng của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển và Bến Cồn Tàu là trọng tâm của mắc xích quan trọng ấy. Năm 2004, Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu được Bộ VHTT (nay là Bộ VHTT&DL) công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Đến năm 2010, Khu di tích Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu được đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động với diện tích 1,2 ha gồm Bia tưởng niệm và Nhà trưng bày hình ảnh, hiện vật gắn liền với chiến công của quân dân Trà Vinh đối với tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Đến tham quan khu di tích, du khách có thể thắp nén hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, tham quan Nhà trưng bày, nhìn Bia tưởng niệm vươn cao trong nắng mới như nhắc nhớ chiến công năm xưa và truyền thống đấu tranh kiên cường của cha ông ta trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
nguồn: https://dulichtravinh.com.vn/khu-di-tich-ben-tiep-nhan-vu-khi-con-tau/?gidzl=7IeGMsv9aaGHFH5UO5wLHH0n7rnuM9f9Mp8G1YvScnfOD4y3Umt47mmpG5L-2ijA260VNcD6Mh8iQa2JH0