Trà Vinh là địa bàn có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó đông nhất là ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa.
Cộng đồng người Hoa Trà Vinh lưu giữ những tín ngưỡng và lễ hội dân gian truyền thống khá độc đáo, tiêu biểu là tín ngưỡng thờ Quan Thánh đế, tín ngưỡng thờ Bổn đầu công và tín ngưỡng Bảo sanh đại đế. Trong đó, Phước Thắng cung tọa lạc tại ấp Mé Rạch B, xã Đại An, huyện Trà Cú là cơ sở tín ngưỡng thờ Bảo sanh đại đế với Nguyên tiêu thắng hội nổi tiếng, thu hút cộng đồng cư dân địa phương và đông đảo người Hoa khắp các tỉnh thành Nam bộ cùng về tham dự.
Ngày nay, Nguyên tiêu thắng hội, hay còn gọi là lễ hội Cúng Ông Bảo, tại Đại An (Trà Cú) là một trong những lễ hội dân gian tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc Trà Vinh, được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy hoạch là địa chỉ văn hóa tâm linh trong chuỗi các địa điểm du lịch trên địa bàn ven sông Hậu thuộc huyện Trà Cú.
Ông Bảo hay Bảo sanh đại đế tên thật là Ngô Bản, thường được gọi là Ngô Chân nhân, người đời Tống bên Trung Hoa. Ông là một vị đại danh y tài đức vẹn toàn, trọn đời hết lòng vì sức khỏe người dân, không mưu cầu danh lợi, tiền tài hay quyền lực. Vì vậy, sau khi từ trần, Ngô Chân nhân được người dân Trung Hoa tôn bái làm Bảo sanh đại đế và được các triều đại sau này phong là Đại đạo Chân nhân.
Nếu Quan Thánh đế là vị thánh tiêu biểu về khí phách quân tử, Bổn đầu công là vị thần bảo đảm cho nơi cư trú, việc làm ăn sung túc, thì Bảo sanh đại đế là vị thần cai quản về sức khỏe. Tín ngưỡng dân gian này được các thế hệ Hoa kiều Nam bộ nói chung, tại Trà Vinh nói riêng hết lòng tôn thờ, chiêm bái.
Phước Thắng cung là cơ sở tín ngưỡng thờ Bảo sanh đại đế duy nhất tại Trà Vinh, nên còn được gọi là chùa Ông Bảo. Ngôi chùa này được kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc” truyền thống của người Hoa. Mặt bằng tổng thể gồm hai tòa Tiền điện và Chánh điện nằm song song nhau quay mặt về hướng nam, nơi có con sông nhỏ ăn thông ra sông Hậu. Hai bên là hai dãy Đông lang và Tây lang hướng vào hai tòa nhà chính, hình thành một công trình khép kín. Nhìn chung, tòa Tiền điện và Chánh điện là những kiến trúc nghệ thuật mang đậm phong cách truyền thống Trung Hoa. Bộ khung ngôi nhà làm bằng gỗ quý, chạm trỗ rất tinh xảo và được sơn son thếp vàng, tạo ra không khí uy nghiêm của nơi thờ tự. Mái ngói lưu ly và ngói âm dương cùng những đầu đao cong vút trang trí hình lưỡng long chầu nguyệt, long vân phó hội… Các vách tường tòa Tiền điện và Chánh điện trang trí bởi nhiều bức bích họa, phù điêu thể hiện các điển tích Trung Hoa cổ như Đào viên kết nghĩa, Bát tiên quá hải, Quan thánh phò nhị tẩu, Gia quan tấn lộc, Bao công xử án… Nội thất ngôi chùa còn có những bức hoành phí, liễn đối bằng chữ Hán, thể hiện công đức các vị thần thánh, biểu dương lòng nhân ái bao dung, tiết tháo chính nhân quân tử…
Tòa Chánh điện Phước Thắng cung thờ Bảo sanh đại đế ở án thờ gian giữa cùng một số thần linh ở án thờ tả, hữu như Quảng trạch tôn vương, Phước đức chính thần, Ngũ vị chi thần, Tam bình tổ sư. Ngoài ra, trong khuôn viên ngôi chùa, ban quản trị còn đưa vào phối tự nhiều vị tiên phật thánh thần như Phật Thích ca, Đạt ma tổ sư, Cửu huyền thất tổ, Tiên hiền – hậu hiền, Bà Chúa xứ, Neakta… Đây là hiện tượng hỗn dung tín ngưỡng độc đáo, thể hiện sự giao lưu văn hóa, tình đoàn kết giữa các dân tộc cùng cộng cư tại địa phương.
Chung quanh Phước Thắng cung trên địa bàn xã Đại An (nay được chia tách thành xã Đại An, xã Đinh An và thị trấn Định An) còn có nhiều ngôi chùa, đình, miếu tạo thành một quần thể các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng liên hoàn nhau.
Trong một năm, tại Phước Thắng cung có nhiều lễ cúng tế nhưng quan trọng nhất là Nguyên tiêu Thắng hội, hay còn gọi là lễ hội Cúng Ông Bảo, diễn ra trong hai ngày Rằm và Mười sáu tháng Giêng âm lịch, với đường dây kịch bản khá chặt chẽ.
Sáng sớm ngày Rằm tháng Giêng, với tất cả lòng thành, người dân Đại An mang lễ vật và cùng nhau dọn dẹp trang hoàng trong ngoài ngôi chùa, chuẩn bị lễ Khai tràng nhập hội. Đến trưa, nghi thức đầu tiên này được tiến hành. Vị cố vấn đóng vai trò chủ tế cùng các thành viên ban quản trị và các bô lão tề tựu trước án thờ dâng hương đăng, lễ vật khấn nguyện, kính báo đức ông Bảo sanh đại đế cùng chư vị thần thánh ngày Nguyên tiêu đã đến, cung thỉnh chư vị thánh thần cùng về ngự, chứng giám lòng thành của người dân. Sau lễ Khai tràng nhập hội, lễ hội Nguyên tiêu chính thức bắt đầu.
Ngay sau đó, ở các gian phối tự, dân làng tiến hành lễ Cầu an, lễ tế Tiền chức (Tiên hiền – hậu hiền), tế bà Chúa Xứ và tế Neakta. Các nghi lễ này thể hiện sự tôn trọng, giao lưu văn hóa – tín ngưỡng giữa các dân tộc cùng sinh sống bên nhau vừa thu hút đông đảo hơn sự có người dân về dự hội, không phân biệt người Hoa, người Kinh hay người Khmer; người theo tín ngưỡng thờ ông Bảo hay đồng bào phật tử.
Buổi chiều, không khí bên trong khuôn viên Phước Thắng cung nhộn nhịp hẳn lên, chuẩn bị tiến hành lễ Nghinh thần, hay còn gọi là lễ Rước cộ. Đây vừa là lễ thức vừa là hình thức diễn xướng dân gian để mọi người cùng tham gia. Đúng 18 giờ, vị chủ tế cùng các bô lão tề tựu trước án thờ đức ông khấn vái, cung thỉnh kim tượng đức ông Bảo sanh đại đế, Quảng trạch tôn vương và Phước đức chính thần cùng lên kiệu vàng. Ngay sau đó, ba hồi tù và vang lên, báo hiệu đám rước bắt đầu. Mở đường là đoàn âm binh thần tướng, gồm hàng chục thanh thiếu niên lưng trần hóa trang bằng lọ nghẹ, phẩm màu, tay cầm đuốc hoặc cành cây, vừa đi vừa chạy, múa chân múa tay. Kế đến là đội lân sư rồng vừa đi vừa múa theo nhịp trống rộn rã. Trên đường đi, đoàn lân có thể tạt vào những ngôi nhà hai bên đường, tiếp nhận lễ vật dâng cúng và ban phước lành cho gia chủ. Theo sau đội lân là hai trung niên vận lễ phục trang nghiêm, đi song song nhau, một người cầm lồng đèn to có chữ Phước Thắng cung, một người cầm biểu tượng con vật cầm tinh trong năm mới âm lịch. Phía sau tiếp tục là đội phèn la, đội cờ hiệu, đội lồng đèn và đuốc, đội cờ Ông nhiều màu sắc.
Cách khoảng vài mươi mét là kiệu âm binh, với các chiếc bình đựng gạo và muối hột trộn lẫn vào nhau. Vừa đi, người trên kiệu sẽ vãi gạo muối ra bên ngoài, hàm ý trừ tà ma, dịch bệnh cho dân làng.
Trung tâm của đám rước là chiếc kiệu Ông được trang hoàng lộng lẫy đi giữa hai hàng quân, mỗi hàng tám người, tay cầm binh khí lấy từ lỗ bộ trước án thờ Bảo sanh đại đế, được hộ tống bằng dàn nhạc lầu cấu vang lừng âm thanh. Kết thúc là dân làng bổn hội và khách thập phương về dự hội.
Khởi đi từ Phước Thắng cung, đám rước hướng về ngôi Bảo an miếu thờ bà Thiên Hậu gần chợ Đại An. Vị chủ tế cùng các vị bô lão vào miếu thực hiện nghi thức khấn vái, rồi cung thỉnh Thánh mẫu, tượng trưng bằng chiếc lư hương trước án thờ bà Thiên Hậu lên cùng ngự trên kiệu Ông. Việc đức Ông và Thánh mẫu cùng ngự trên chiếc kiệu giữa đám rước, thể hiện ước vọng âm dương hòa hợp, vạn vật sinh sôi nẩy nở, dân làng no đủ lâu bền. Đám rước tiếp tục di chuyển về Thánh thất Cao Đài vào chánh điện tế lễ, rồi tiếp tục di chuyển sang ngôi chùa Khmer Phnô Đôn (Chùa Cò) chiêm bái đức Phật. Nghi thức Nghinh ông hàm ý đưa đức ông Bảo sanh đại đế (tín ngưỡng người Hoa) đến ra mắt, chào hỏi chư thánh Cao Đài (tôn giáo người Kinh) và đức Phật (tôn giáo người Khmer), thể hiện tình hòa hảo, hiếu thuận, kết đoàn giữa ba dân tộc anh em trên địa bàn Đại An có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia.
Trên những nẻo đường đám rước đi qua, nhà nhà không phân biệt dân tộc, tôn giáo đều lập bàn hương án trước ngõ cung nghinh đức Ông. Khi kiệu Ông đến, già trẻ lớn bé trong nhà tề tựu trước hương án, thắp hương khấn vài và nhận một ít gạo muối, xem như “lộc thánh” mà đức Ông Bảo sanh đại đế ban phát cho dân làng.
Tuy quảng đường chỉ hơn 5 km cả đi và về nhưng do thực hiện nhiều hình thức diễn xướng dân gian, đoàn đi rất chậm, đến quá nửa đêm mới trở về đến Phước Thắng cung.
Sau khi về đến Phước Thắng cung, nghi thức An vị được tiến hành. Vị chủ tế và các bậc bô lão cung thỉnh đức ông Bảo sanh đại đế cùng chư vị thánh thần trên kiệu trở về an vị trên án thờ.
Sáng ngày Mười sáu tháng Giêng, nghi thức cuối cùng của Nguyên tiêu thắng hội là lễ Tạ ơn được tiến hành. Khi đông đủ dân làng bổn hội và khách thập phương dự hội tập trung trước án thờ Bảo sanh đại đế trong ngôi chánh điện, vị chủ tế thắp hương đăng, dâng các lễ vật cúng tế bày tỏ lòng thành kính biết ơn của bá tánh trong một năm qua được đức ông Bảo sanh đại đế, chư vị thánh thần gia ơn độ trì cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người ấm no, hạnh phúc.
Nguyên tiêu thắng hội tại Phước Thắng cung (Đại An, Trà Cú) là một lễ hội xuất phát từ tín ngưỡng dân gian tiêu biểu của đồng bào người Hoa Nam bộ. Theo thời gian, lễ hội này đã trở thành tài sản văn hóa chung, có giá trị tăng cường tình đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa Trà Vinh vừa thể hiện ước vọng ấm no, hạnh phúc lâu dài của con người.
nguồn: https://dulichtravinh.com.vn/le-hoi-nguyen-tieu/