Lễ hội Ok Om Bok được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận là di sản vă hóa phi vật thể cấp quốc gia ngày 25/8/2014. Lễ hội Ok Om Bok (lễ hội cúng trăng) là lễ hội dân gian truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Lễ hội Ok Om Bok diễn ra vào ngày 14, 15 tháng Ka-Đâk của người Khmer tức khoảng ngày 13 - 16 tháng 10 âm lịch của người Việt. Lễ hội Ok Om Bok ở Trà Vinh được tổ chức dưới các hình thức như: lễ tại gia đình, lễ ở chùa hoặc các điểm của cộng đồng trong phum sóc. Lễ hội Ok Om Bok chính được tỉnh Trà Vinh tổ chức hàng năm tại Khu di tích thắng cảnh Ao Bà Om Khóm 4, phường 8, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
Trải quá trình lao động sản xuất người Khmer nhận ra rằng mặt trăng đã chi phối rất nhiều đến các yếu tố thời tiết, thủy văn. Do vậy, người Khmer tin rằng mặt trăng là vị thần có nhiệm vụ cai quản và bảo hộ mùa màng trong nền sản xuất nông nghiệp lúa nước. Thần Mặt Trăng mang biểu tượng của âm tính, lễ cúng trăng là sự đưa tiễn mùa mưa, chào đón mùa khô.
Thờ thần Mặt Trăng là tín ngưỡng cổ xưa còn tồn tại và đã ăn sâu trong đời sống tâm linh của người Khmer. Tuy nhiên, thần Mặt Trăng không được thờ tại một cơ sở tín ngưỡng cố định nào. Từ xưa, hàng tháng cứ vào ngày trăng tròn - ngày rằm, người Khmer đều tổ chức lễ cúng trăng tại nhà. Đến khi Phật giáo chi phối, người Khmer vẫn chọn ngày trăng tròn và ngày không trăng (ngày rằm và 30 âm lịch) hàng tháng đến chùa nghe kinh, niệm Phật cầu khấn các vị thần linh trong đó có thần Mặt Trăng. Và thần Mặt Trăng được người Khmer tiếp nhận qua sự lý giải của Phật giáo bằng sự tích “Con thỏ và mặt trăng”. Vì vậy, người Khmer làm lễ cúng trăng, ngoài việc mừng mùa còn để tưởng nhớ đến thỏ là kiếp trước của Đức Phật. Bên cạnh đó, cúng trăng nhằm giáo dục cho con người biết ơn thần Mặt Trăng đã đem lại sự sống cho con người, cho muôn loài, cho vạn vật và cũng có ý nghĩa ngưỡng phục đối với sự hy sinh của Đức Phật, từ đó giáo dục con người hãy noi gương, học tập đức hy sinh, lòng từ bi hỉ xả của Đức Phật mà làm lành tránh dử.
Nghi lễ Ok Om Bok của người Khmer Trà Vinh được tiến hành như sau: Người ta lập một bàm thờ cúng bày biện các vật cúng như cốm dẹp, chuối, khoai, dừa, hoa tươi cùng nhang đèn. Khi thần Mặt Trăng nhô lên khỏi ngọn cây thì tiến hành nghi lễ. Những người tham gia nghi lễ ngồi trước bàn cúng chắp tay trước ngực, chủ gia thắp nhang kính cẩn khấn váy tạ ơn thần Mặt Trăng năm qua đã phò hộ, độ trì cho gia đình được bình yên, mạnh khỏe, mùa màng bội thu. Cầu mong thần tiếp nhận những lễ vật mọn và chứng giám lòng thành mà tiếp tục phò hộ cho gia đình năm sau vạn sự như ý. Cúng xong, chủ gia tiến hành đút cốm dẹp cho những đứa trẻ. Họ gọi từng đứa trẻ đứng lên rồi đút một ít cốm dẹp, một ít chuối, khoai vào miệng chúng rồi vỗ nhè nhẹ sau lưng và hỏi: “Sau này lớn lên cháu ước muốn gì” ?. Những đứa trẻ ngây thơ trả lời một cách hồn nhiên, đứa thì ước muốn có nhiều ruộng đất, đứa thì có nhiều vàng vòng, đứa thì học giỏi, đứa thì thành đạt… . Dựa vào những câu trả lời của chúng mà người lớn dự đoán tương lai của nó. Lễ hội Ok Om Bok được tổ chức ở chùa hoặc các điểm của cộng đồng trong phum sóc và nghi thức tương tự như ở gia đình nhưng quy mô tổ chức lớn hơn có thả đèn gió, đèn nước và nhiều nơi còn tổ chức các trò chơi dân gian.
Riêng tại thành phố Trà Vinh, trong ngày 14 mọi người tập trung hai bên bờ sông Long Bình để xem đua ghe ngo truyền thống. Sáng hôm sau, mọi người lại kéo về Ao Bà Om tham dự các trò chơi dân gian: kéo co, đập nồi, nhảy bao,… thi đấu bóng chuyền, tham quan hội chợ trưng bày sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp của các huyện, tham quan nhà Bảo tàng Văn hoá dân tộc Khmer. Tối đến, mọi người xem biểu diễn trang phục, xem văn nghệ. Đặc biệt, sau khi chứng kiến lễ Ok Om Bok, mọi người được dự khán cuộc trình diễn hoành tráng của các đoàn diễu hành là các chùa vòng quanh Ao Bà Om, rồi xem thả đèn nước, ngắm nhìn đèn trôi trên mặt ao trong đêm trăng rằm lung linh huyền ảo.
Lễ hội Ok Om Bok ở Trà Vinh gắn liền với tín ngưỡng tôn giáo, phong tục tập quán của người Khmer ở Trà Vinh nói riêng, Nam Bộ nói chung, nó đã trở thành một sinh hoạt văn hóa mang đậm tính dân gian và là nhu cầu thiết yếu không thể thiếu trong đời sống tâm linh, đời sống văn hóa của người Khmer. Lễ hội góp phần tạo ra đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, củng cố bền vững khối đoàn kết cộng đồng các dân tộc.